Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 6 năm 2008
Kính gửi: ông Tô Huy Rứa
Trưởng Ban Tư Tưởng - Văn Hoá TW
Ngày 29-3-2008 tôi đã gửi một thư lên Chủ tịch nước cảnh báo suy thoái có thể xẩy ra ở Việt Nam vì những giải pháp kiềm chế lạm phát gây sốc cho kinh tế Việt Nam (xin gủi kèm thư này). Khi đó, qua cảnh báo của ông Vũ Quang Việt, tổ trưởng tổ chuyên gia thống kê của Liên Hiệp Quốc, tôi thấy có những dấu hiệu suy thoái có thề bắt đầu từ những giải pháp kiềm chế lạm phát không đúng quy luật, không đúng lý luận Mác Lênin và sách kinh tế học đang giảng ở năm đầu bậc đại học.
Tôi nghĩ các vị lãnh đạo khó đọc hết các quyển sách đó, nhưng có đủ thì giớ để đọc 10-20 trang các đoạn nói về lạm phát như ở các trang 162 đến 172, mục 2.Lưu thông tiền tệ trong cuốn Tư Bản quyển I tập I của Mác sẽ thấy ngay quy luật lưu thông tiền tệ là: “
Tổng số giá cả của hàng hoá chia cho số vòng của các đồng tiền cùng loại trong một thời gian nhất dịnh = khối lượng tiền tệ làm chức năng phương tiện lưu thông”
[1] Như vậy khi
khối lượng tiền tệ tăng lên vượt quá nhiều so với khối hàng hóa lưu thông là lạm phát làm giá cả chung tăng lên.
Tôi tưởng 5-6 tháng nữa suy thoái mới có thể bắt đầu nhưng mới 3 tháng, ông bộ trưởng bộ Tài chính đã nói trong phiên chất vấn thành viên Chính phủ là Việt Nam bị suy thoái và ông Trần Du Lịch đã phải phát biểu “coi chừng thắt chặt tiền tệ là uống thuốc độc”.
Những thực tế như vậy lại không được lắng nghe. Nguyên nhân rất cơ bản là do các thành viên của Chính phủ không biết đến tình hình của nước ta giống như các nước trên thế giới, đang phải đối phó với hai cuộc lạm phát:
lạm phát tiền giấy và lạm phát giá cả. Các nước phát triển tiêu thụ nhiều dầu lửa hơn ta nhưng đã tránh được việc phải đối đầu với lạm phát giá cả bằng cách dùng chỉ số giá tiêu dùng trừ năng lượng và hàng ăn (CPI excluding energy and food). Khái niệm lạm phát giá cả, cụ thể là loại lạm phát chi phí đẩy được trình bày ở cuốn Kinh tế học của Gs. Samuelson như sau: “
Lạm phát chi phí đẩy xẩy ra do chi phí tăng lên trong những giai đoạn thất nghiệp cao và mức huy động nguồn lực yếu ớt được gọi là lạm phát chi phí đẩy”
[2] Chỉ cần đọc kỹ định nghĩa này sẽ thấy nó ngược hoàn toàn với định nghĩa của Mác về lạm phát do tiền tệ tăng lên mà ngược lại xẩy ra do giá cả tăng lên (chẳng khác gì nói mưa sinh ra mây). Gs. Samuelson đã giải thích thêm là: “
Nhưng trong nửa thế kỷ qua, quá trình lạm phát đã thay đổi, giá hiện nay đang đi trên con đường một chiều – tăng lên trong suy thoái và tăng nhanh hơn trong thời kỳ bùng nổ”.
Liên hệ với tình hình thế giới và trong nứơc hiện nay thì cứ giá dầu tăng lên là CPI của nước ta tăng vọt theo, trong khi ở tất cả các nước phát triển và rất nhiều nước đang phát triển dùng CPI trừ năng lượng thì CPI không hề thay đổi theo giá dầu, có nghĩa là họ không phải đối đấu với lạm phát giá cả mà đã tránh được nó làm cho tỷ lệ lạm phát của họ thấp hơn ta. Chúng tôi đã nghiên cứu những nhầm lẫn của Gs. Samuelson về lạm phát giá cả từ năm 1991 (trên Tạp chí Cộng Sản số 8-1991) với bài báo “Lạm phát giá cả là gì”. Năm 2007 chúng tôi cũng đã viết bài “lạm phát giá cả: bù lỗ không phải là thuốc chữa” tại báo Lao Động ngày 19-11-2007 và được 3 báo điện tử đăng lại nên được Google chọn là một trong 10 tài liệu nói về CPI trừ năng lượng và thực phẩm (xin gửi theo bản copy) nếu đưa bản này vào máy tính chỉ cần nhấn Ctrl và nhấp chuột vào tên Vietnamnet là bài báo hiện ra ngay.
Nhưng gần đây những bài báo chúng tôi động đến lạm phát giá cả là không được đăng. Một tổng biên tập có nói trong cuộc họp cộng tác viên là những bài báo có liên quan đến bộ nào là họ gửi tới bộ đó hỏi ý kiến trước khi đăng và những bài báo động đến lạm phát giá cả được góp ý sẽ gây nên những rối loạn không cần thiết cho điều hành lạm phát vì vậy chúng tôi không đăng. Như vậy đã biểu hiện một sự không lắng nghe không có lợi cho đất nước và vi phạm luật báo chí vì một bộ không vừa ý là có thể kiểm duyệt cắt một bài báo rất có lợi cho đất nước, có thể giúp thoát ra khỏi cuộc suy thoái đã bắt đầu tấn công nước ta mạnh hơn vào các nước khác vì những sơ hở trong điều hành tiền tệ của ta đã tạo ra những lỗ hổng cho suy thoái xâm nhập dễ dàng hơn.
TCTK chỉ tra cứu những trang web của các nước có tỷ lệ lạm phát bằng hay cao hơn ta và không đọc gì tới các trang web của tất cả các nước phát triển và nhiều nước khác có tỷ lệ lạm phát thấp hơn ta. Thông tin đúng là nhiều nước lạm phát thấp hơn ta nếu được trình bày lên Chính Phủ, sẽ không tạo ra tình hình hoảng hốt kiềm chế lạm phát, đánh đổi tăng trưởng cao lấy lạm phát còn ở mức vừa phải. Nếu TCTK học các nước phát triển dùng CPI trừ năng lương và hàng ăn và kéo tỷ lệ lạm phát xuống như họ lạm phát ở nước ta vẫn nằm trong mức lạm phát vừa phải (trên dưới 10%) Báo chí và Chính phủ chả phải la hoảng làm như lạm phát phi mã đến nơi mặc dù theo sách của Gs. Samuelson “
lạm phát phi mã là trong phạm vi hai hoặc ba chữ số như 20, 100 hay 200 phần trăm một năm”
[3].
Lạm phát vừa phải còn được gọi là lạm phát lành mạnh vì cái lợi của nó là kích thích kinh tế phát triển, gấp hàng 10 – 100 lần cái hại mà nó gây ra là làm cho giá cả chung tăng. Nhưng người dân không thiệt thòi gì vì họ phải trả giá cao hơn khi mua, nhưng khi bán họ được bù đắp lại bằng tỷ lệ tương đương kể cả những người chỉ có sức lao động để bán vì tiền lương đã được chỉ số hoá theo tỷ lệ lạm phát và ở ta nó là trên 20%/năm. Chỉ có loại lạm phát giá cả thực chất là cú sốc giá dầu lửa đội lốt lạm phát mới làm tăng chi phí, làm tăng tiền chi cho cuộc sống, nhưng không làm tăng giá sản phẩm, tiền lương theo cùng tỷ lệ với giá nguyên nhiện liệu, nói chung là giá đầu vào tăng nhưng giá đầu ra không tăng theo tỷ lệ lạm phát mà do cung cầu quyết định.
Mạn phép ông được trình bày dài dòng như trên vì có quá nhiều người không để ý đến sai lầm của Gs. Samuelson, nên nhiều chuyên gia và nhà khoa học không nói gì tới lạm phát giá cả dẫn tới nhầm thuốc đặc trị chỉ dùng cho lạm phát tiền giấy để chữa lạm phát giá cả nên kinh tế bị đổ vỡ đúng như phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng đã cảnh báo trên báo Lao Động ngày 19-11-2007 là “nếu không thận trọng, tăng giá và tác động tăng giá sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát, nền kinh tế có thể sụp đổ”. Lời cảnh báo đó ứng vào tình hình suy thoái đang đe doạ nước ta với mức độ cao hơn các nước khác. Nhưng lời cảnh báo này đã không được phân tích và tranh luận trong các cuộc hội thảo và toạ đàm về lạm phát. Có cuộc hội thảo đã tổ chức xong phần kỷ yếu hội thảo do các thành viên được mời viết bài đóng góp nhưng có lệnh trên đành gác lại với lý do bên ngoài là “vì trục trặc kỹ thuật”. Thái độ sợ ý kiến đóng góp của những người hiểu biết tình hình như vậy là biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng, về năng lực lãnh đạo, không tin là mình có thể đối thoại với cả người nói trái với quan điểm riêng của mình và giải thích rõ tính đúng đắn của những chủ trương đã bàn bạc tập thể nhưng chệch hướng: bỏ tăng trưởng để đổi lấy lạm phát thấp vài phần trăm. CPI đã đo sai mức lạm phát vì cộng cả lạm phát giá cả vào lạm phát tiền giấy, khác xa các nước phát triển dầy dạn kinh nghiệm kiềm chế lạm phát nên có tỷ lệ lạm phát đúng hơn và thấp hơn nước ta.
Những thông tin sai như vậy của TCTK chẳng khác gì tìn tình báo trong kháng chiến cung cấp sai tình hình quân địch về quân số và loại vũ khí sử dụng dẫn đến thất bại trong trận công đồn đó. Tình hình quân địch trong chống lạm phát là do số cộng của lạm phát tiền giấy và lạm phát giá cả, vũ khí là cách thức tấn công của lạm phát giá cả khác xa lạm phát tiền giấy vì nó đảo lộn nhân quả. Lạm phát tiền giấy gây ra tăng giá chung, còn lạm phát giá cả ngược lại là tăng giá dầu rồi gọi đó là lạm phát.
Chính phủ không nhận ra những tin tức sai như vậy quả là vận rủi cho đất nước trước những khó khăn ngày càng chồng chất mà nguy hiểm nhất là khó khăn do không hiểu về lạm phát và suy thoái lại không chịu đọc lại sách kinh điển của chủ nghiã Mác và sách nhập môn về kinh tế học.
Gửi ông thư này tôi hy vọng biết ra cái sai sớm, chính phủ sẽ kịp chuyển trọng tâm từ kiềm chế lạm phát sang chống suy thoái vì thuốc chữa suy thoái theo kinh tế học là hạ lãi suất và bơm tiền ra lưu thông như Mỹ đang làm để chống suy thoái đã được báo chí nói từ lâu, ngược lại với cách kiềm chế lạm phát là thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất Nếu không, bức thư này sẽ chỉ có giá trị lịch sử nói về cái khốn khó nước ta sẽ trải qua chỉ trong vài tháng nữa, chậm nhất là trong năm nay./.
[1] Các Mác, Tư Bản.quyển thứ nhất, tập I, Nhà Xúât bản Sự Thật 1959, trang 168
[2] Paul A. Samuelson & William Nordhaus, Kinh tế học tập II, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc gia năm 1997 trang 411.
[3] Paul A. Samuelson và William Nordhaus, sách đạ dẫn, trang 397